Sống xanh không chỉ còn là một xu hướng mà còn đang dần trở thành lối sống tiêu chuẩn mà tất cả chúng ta nên hướng tới để góp phần phục hồi lại môi trường sống của chính loài người.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Khi thế giới ngày càng phát triển, những hậu quả của công nghiệp hóa, đô thị hóa để lại chính là một môi trường và một bầu không khí đầy khói bụi và những chất độc hại. Bảo vệ môi trường – nghĩa vụ tưởng lớn nhưng lại có thể được bắt đầu từ những hành động nhỏ vô cùng đơn giản. Hãy đồng hành cùng Đông Dương Sài Gòn trên hành trình tiến tới một cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường hơn, để mỗi ngày các hành động của chúng ta càng trở nên ý nghĩa hơn nhé!
Phân loại rác tái chế
Sự tăng trưởng và phát triển của xã hội với tốc độ nhanh chóng đã khiến cho rác thải sinh hoạt của con người sinh ra ngày càng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc tác động môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại một số quốc gia trên thế giới, việc phân loại rác trong sinh hoạt đã trở thành điều hiển nhiên trong cuộc sống mỗi ngày và được coi là một phần văn hóa đã đi sâu vào ý thức của các tầng lớp nhân dân. Để bảo vệ môi trường, mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm phân loại rác thải ngay từ chính lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình mình, từ đó sẽ góp phần không nhỏ trong công tác xử lý rác thải của cả cộng đồng.
Nói không với rác thải nhựa, bắt tay với các sản phẩm thân thiện môi trường
Các nhà khoa học đã chứng minh nhựa là loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất đối với môi trường. Điều đáng lo ngại là để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và nilon phải cần quãng thời gian hàng trăm năm, thậm chí có loại mất hàng nghìn năm. Trong khi đó, chất thải nhựa khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, mỗi người đều cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng bao bì, túi hộp đựng nhiều lần, các sản phẩm được làm từ nguyên vật liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường như mây, tre, cói, giấy, bã mía…
Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn của sự kiện Giờ Trái đất 2019 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 30/3/2019), Việt Nam đã tiết kiệm được 492 nghìn kwh sản lượng điện, tương đương với số tiền khoảng 917 triệu đồng. Tương ứng trong khoảng thời gian đó, Việt Nam đã tiết kiệm được khoảng 200 tấn than đá dùng đốt trong nhà máy nhiệt điện than để sản xuất ra sản lượng điện trên (trung bình 1 tấn than đá cho lượng điện 2.460 kwh); đồng thời hạn chế được khoảng trên 60 tấn tro xỉ thải ra môi trường chưa kể đến khí thải và nước thải trong quá trình đốt than (cứ đốt 10 tấn than đá sẽ thải ra 3,3 tấn tro xỉ) và các chất thải ra môi trường trong quá trình khai thác nguyên liệu làm chất đốt. Những con số trên đã cho thấy hiệu quả bảo vệ môi trường khi cộng đồng cùng chung tay thực hiện chỉ bằng những hành động nhỏ nhất như tắt công tắc điện khi không sử dụng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng để tránh những tác động tiêu cực đến môi trường.
Lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh
Giống như mỗi hạt cát đều có vai trò quan trọng để hình thành nên sa mạc, mỗi cá nhân đơn lẻ chỉ bằng những hành động nhỏ của bản thân, lan tỏa đến người thân, cộng đồng xã hội chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả lớn lao trong việc bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ tương lai của đất nước, của nhân loại. Để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất nước cũng như cả hành tinh xanh trái đất, mỗi cá nhân cần chung tay từ những việc nhỏ trong chính cuộc sống thường ngày như: Giữ gìn cây xanh; sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên; rút các phích điện khỏi ổ cắm; sử dụng năng lượng sạch; thực hiện nguyên tắc 3R (reduce, reuese and recycle) giảm sử dụng – tái sử dụng – tái chế… Song song với nâng cao ý thức bản thân, mỗi người cần kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, tạo thói quen, nề nếp sinh hoạt có ý thức bảo vệ môi trường đến mỗi người thân trong cả gia đình, cơ quan, trường học…