Ngày Đại dương thế giới (08/6 thường niên) năm 2022 được Liên Hợp quốc lựa chọn chủ đề “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”. Thông qua chủ đề này, LHQ muốn nhấn mạnh thể tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Thế giới xem thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết xu hướng phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới giúp thúc đẩy sự phát triển chung của các nước, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung: Sản xuất xanh, công nghiệp xanh – sử dụng các công nghệ kỹ thuật sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm bớt ô nhiễm môi trường; tiêu dùng xanh – xây dựng lối sống xanh, bảo vệ và sống hài hòa với môi trường thiên nhiên.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, biển và đại dương là một nguồn tài nguyên quý giá để phục vụ con người nhưng hiện nay đang chịu những áp lực rất lớn từ các hoạt động của con người. Hiện tượng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, a-xít hóa đại dương đang tác động rất mạnh mẽ tới khả năng của biển đại dương cung cấp cho con người các dịch vụ hệ sinh thái để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế – xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống của con người. Phương thức quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển hiện tại đang là phương thức quản lý được áp dụng rộng rãi trên thế giới để phục vụ quản lý biển và đại dương.
Bên cạnh đó, lĩnh vực khoa học – công nghệ trong phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển hiệu quả. Các quốc gia trên thế giới đang tiến rất nhanh trong việc sáng tạo công nghệ phát triển kinh tế biển xanh. Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học – công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới cũng đem lại cơ hội tốt cho tất cả quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.
Do đó, khoa học-công nghệ biển trong giai đoạn 2021-2025 trên thế giới sẽ tập trung vào việc khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững biển và đại dương phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; hợp tác quốc tế trên quy mô thế giới và khu vực nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ biển, tận dụng nguồn lực các nước cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học nói chung trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Việt Nam đã có hành động gì để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 2022
Để hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2022, từ ngày 15/5/2022 đến ngày 15/6/2022, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành Văn bản số 871/VHL-VP yêu cầu các đơn vị tham gia , tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể như:
– Tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương.
– Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương thế giới, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa đến nhận thức của cộng đồng. Treo băng rôn, pano, áp phích tại trụ sở cơ quan, đơn vị (khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường).
– Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững và quản lý thống nhất, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Qua những thông tin về hành động vì đại dương, có thể thấy rằng sự hồi sinh của biển là mục tiêu chính và cùng chung tay hành động là cách chúng ta biến mục tiêu đó thành hiện thực. Sau 11 năm cống hiến vì một cuộc sống xanh sạch, Đông Dương Sài Gòn tin rằng chúng ta đều có thể góp sức để đưa đại dương thoát khỏi nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống và sự sinh tồn của sinh vật biển trước sự đe doạ của rác thải nhựa.