Vì muốn chấm dứt tình trạng rác thải trôi nổi dọc con sông Hương của thành phố thân yêu nơi mình sống, hai bạn nhỏ Nguyễn Cữu Lực (lớp 8) và Nguyễn Đinh Nhật Ly (lớp 9, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Huế) đã sáng tạo và mày mò chế tạo thành công ý tưởng khởi nghiệp – máy hút rác trên sông, hồ.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp
Khi được hỏi về ý tưởng của mình, Lực chia sẻ: “Những ngày hè, em và bạn em đi dọc sông Hương, tới chợ Đông Ba. Tại đây, chúng em quan sát thấy có nhiều rác thải trôi nổi trên sông. Không chấp nhận sống chung với rác mãi như thế, chúng em đến trường trình bày ý tưởng với thầy Thân để làm ra cái máy làm sạch rác thải”.
Ngay khi vừa nảy ra ý tưởng, từ tháng 6/2016, Ly và Lực đã tiến hành nghiên cứu và chế tạo máy hút rác dựa trên các kiến thức được học và những sản phẩm phế liệu như mô tơ đồ chơi trẻ em, máy bơm nước và sắt, xốp, mút,…
Thầy Nguyễn Công Thân (giáo viên hướng dẫn) cho biết, hai em rất chịu khó tìm tòi có đầu óc sáng tạo, hiểu biết rộng về vật lý và công nghệ. “Máy hút rác là thiết bị mới lạ, chưa từng được công bố, có nhiều ứng dụng hữu ích và phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao”
Từ ý tưởng khởi nghiệp tới thực tế
Thân máy là phần được hai bạn xây dựng đầu tiên, sau đó đặt động cơ điện ở trên giá, sử dụng vít gắn động cơ với thân máy. Tiếp theo, dùng keo gắn trục mô tơ và bánh xe, gắn cánh quạt vào bánh xe. Sau đó làm máng hứng rác, làm thùng chứa rác có lưới lọc để thu gom rác nhỏ và lơ lửng. Công đoạn tiếp theo nữa là gắn máy hút nước vào thân máy chìm trong nước sao cho hút rác vừa đủ, rồi tiến hành lắp phao nâng máy, hoàn thiện và trang trí máy.
Trong quá trình thực hiện dự án khởi nghiệp, hai bạn nhỏ cũng gặp phải đủ loại khó khăn, tuy nhiên phần hàn cơ khí có lẽ là phần khó nhằn nhất: “Công đoạn hàn cơ khí gặp khó khăn, phải nhờ thầy giúp đỡ thêm. Mô tơ máy hút nước không tự làm được, tụi em phải tận dụng đồ sẵn có”. – Nhật Ly nói.
Để máy hoạt động, đầu tiên, cần lắp bao giấy hoặc bao vải vào thùng hứng rác rồi gắn bơm nước vào thân máy và cân chỉnh mực nước. Sau đó kiểm tra nguồn dây điện, phích cắm, công tắc của máy, phải đảm bảo công tắc của máy ở chế độ tắt trước khi cắm vào ổ điện (áp dụng chung khi rút phích cắm ra khỏi ổ điện). Tiếp theo là cắm điện, mở công tắc máy và bắt đầu công việc hút rác. Để máy hút được phải có sự chênh lệch áp suất khí quyển, áp suất khí ở bên ngoài của máy phải lớn hơn áp suất khí bên trong máy, lực li tâm của cánh quạt quay tạo ra lực hút. Rác được hút cuộn vào máng được cánh quạt đưa đến thùng chứa rác.
Theo đó, máy hoạt động theo nguyên lý, khi máy bơm nước hoạt động, vòi hút nước vào, rác theo nước được hút về xung quanh vòi. Mô tơ quay làm cánh quạt quay, cánh quạt đưa rác lên theo máng đến thùng 1A, đồng thời tạo dòng chảy đưa rác tiếp tục đến máng. Khi rác đến nhiều hoặc rác kẹt giữa máng và cánh quạt làm mô tơ quá tải, mô tơ đảo chiều đẩy rác theo chiều ngược lại để đưa rác vào thùng 1B. Máy có vòi hút rác lơ lửng để hút rác lơ lửng vào máy bơm, sau đó rác theo vòi đẩy nước ra, rác này được đưa đến thùng rác 2. Trong quá trình hút rác, máy có khả năng tự động di chuyển do có vòi đẩy nước ra làm máy hoạt động theo chiều ngược lại.
“Đề tài này giúp chúng em vận dụng các kiến thức đã học để thực hiện những ý tưởng và theo đuổi đam mê sáng tạo khoa học nhằm giải quyết vấn đề thực tế trong đời sống hàng ngày, giáo dục chúng em có ý thức bảo vệ môi trường”. Ly và Lực cho biết thêm, kết cấu máy phù hợp, thuận tiện cho việc sử dụng, có tính linh hoạt tốc độ máy chạy vừa phải. Hơn nữa, tính sáng tạo của sản phẩm này là máy có thể sủi bọt tạo oxy hoà tan trong nước, cánh quạt có thể quay đảo chiều khi mô tơ quá tải. Ngoài ra máy có vòi hút rác lơ lửng để hút rác lơ lửng và có thể tự động di chuyển.
Vừa qua, đề tài này của hai em đã đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016-2017, giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, nhi đồng thành phố Huế năm 2017. Không chỉ đam mê với đề tài khởi nghiệp vô cùng hữu ích cho xã hội, uớc mơ của Ly và Lực là sau này sẽ trở thành nhà phát minh với các sáng chế vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa đáp ứng sự phát triển khoa học – kĩ thuật của nước nhà.
Đông Dương Sài Gòn hi vọng bài viết trên đây đã khơi gợi cảm hứng sống xanh sạch chung tay bảo vệ môi trường và cùng tiến gần hơn tới một tương lai phát triển tốt đẹp, bền vững!